“Không có gì là không thể“, không mấy ai có thể ngờ rằng, một chàng trai khiếm thị lại có thể trở thành một người giáo viên, người chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ trẻ. Dưới đây là câu chuyện thực về chàng trai, người giáo viên Nguyễn Văn Thanh
Tham khảo: Nghề giáo viên thật tuyệt vời
Hạnh phúc giản đơn của người giáo viên khiếm thị
Tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Văn Thanh chẳng có mấy ký ức vui vẻ. Chào đời cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng trớ trêu thay khi mới chỉ 3 tuổi, tai họa đã ập xuống đầu Thanh khi căn bệnh sởi đã lấy đi ánh sáng của Thanh vĩnh viễn. Chẳng bao lâu sau, Thanh còn chịu mất mát lớn hơn khi người cha yêu quý ra đi mãi mãi.
“Cha là bóng mát giữa trời, Cha là điểm tựa bên đời của con”. Thật khó khăn khi một đứa trẻ lớn lên mà thiếu đi tình yêu thương của người cha, nhưng càng khó khăn hơn khi đứa trẻ đó mất đi khả năng quan sát.
Con đường trở thành người giáo viên khiếm thị của Thanh
Từ ngày đó, Thanh chuyển sang sống với bà ngoại. Dù bị mù nhưng Thanh vẫn có thể làm việc để kiếm tiền phụ ngoại đắp đổi qua ngày. Sau đó, với nỗ lực của bản thân. Người chú của Thanh đã giúp cậu bé bắt đầu đi học khi gửi Thanh vào ngôi trường đặc biệt là Trường phổ thông Nguyễn Đình Chiểu. Lên lớp 10, Thanh vào học tại Trường phổ thông Lao động (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An). Tiếp đó, Thanh học Trường Văn hóa nghệ thuật và Trường cao đẳng Sư phạm Sài Gòn (nay là Trường đại học Sài Gòn). Thật khó khăn để có thể đi học mà thiếu đi đôi mắt, đặc biệt là khi học đại học. Có những kỷ niệm mà Thanh không bao giờ quên trong quãng thời gian là sinh viên của mình, Thanh nhớ lại:
“Lúc ấy khổ lắm, học đại học thì việc tự học là chính. Vì không có tài liệu để học, tôi phải nhờ bạn đưa đến nhà sách để mua tài liệu, về phòng trọ tôi nhờ mỗi người bạn đọc một đoạn và ghi âm vào băng cát-xét, sau đó chép lại bằng chữ nổi,”…ngày ấy Thanh được bạn bè hết mực yêu quý mà giúp đỡ
Năm 1998, Thanh tốt nghiệp Khoa Lịch sử – chính trị Trường đại học Sài Gòn và Khoa Thanh nhạc Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật. May mắn đã đưa Thanh trở thành người giáo viên dạy nhạc của Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, ngôi trường đã chắp cánh ước mơ cho chính người giáo viên khiếm thị này
Hạnh phúc giản đơn của người giáo viên là được đứng trên bục giảng
Giờ đây người giáo viên khiếm thị Nguyễn Văn Thanh coi mỗi giờ lên lớp là quãng thời gian tuyệt vời nhất của mình, thầy coi lớp học như ngôi nhà thứ hai của mình. Với thầy Thanh, dạy nhạc cũng là một cách để dạy người và để tri ân cuộc đời.
Giáo viên Thanh Xuân, đồng nghiệp của thầy Thanh, cho biết: “Học sinh của trường Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu không chỉ có học sinh khiếm thị, mà còn có những em bị đa tật. Chính vì vậy, những lúc trở trời hay hưng phấn quá độ, học sinh ở đây thường cào cấu, giật tóc giáo viên. Vậy mà khi những học sinh ấy vào lớp học nhạc của thầy Thanh thì chúng rất ngoan, hầu như bài hát nào cũng thuộc”.
Với cái tâm của người giáo viên và sự đồng cảm với các em học sinh, thầy Thanh luôn luôn lạc quan, yêu đời và truyền lại cho học sinh của mình tinh thần ấy qua những lời ca, tiếng hát. Hàng năm, học trò của người giáo viên khiếm thị này đều đi hội diễn văn nghệ của ngành giáo dục và đạt giải cao. Có nhiều tiết mục do chính thầy Thanh dàn dựng và sáng tác được biểu diễn tại Đại hội âm nhạc châu Á – Thái Bình Dương dành cho người khuyết tật diễn ra tại Thái lan, Nhật Bản và Trung Quốc, thậm chí được dịch sang tiếng Anh và được bạn bè quốc tế rất yêu thích như bài Lời thầy cho em, Gởi theo bóng bay…
Tham khảo: Luyện viết tiếng anh << tại đây
Ngày ngày, hạnh phúc giản đơn của thầy Thanh là lặng lẽ đến lớp từ tờ mờ sáng và trở về nhà lúc 8 giờ tối. Bao năm qua, thầy chưa bao giờ có ý định rời xa mái trường Nguyễn ĐÌnh Chiểu, xa những cô, cậu học trò mà thầy coi như con cái. Thầy Thanh tâm sự: “Nhiều lúc cũng mệt, nhưng mình cảm thấy rất hạnh phúc. Đoạn đường dài từ nhà đến trường dường như có ánh mắt thân thương của học sinh dõi theo… ”.
Thầy Thanh không chỉ được mọi người biết đến bởi sự tận tâm, hết lòng vì học sinh, tâm huyết với nghề, mà thầy còn được mọi người, đồng nghiệp hết mực quý mến, cảm phục như một tài năng âm nhạc thực thụ. Giọng ca và tiếng đàn truyền cảm, chất chứa niềm đam mê, tình yêu mãnh liệt với cuộc sống. Thầy Thanh đã giành được nhiều bằng khen, huy chương trong các cuộc thi, liên hoan văn nghệ…
(SƯU TẦM)