Mình sẽ viết ngắn gọn về quan điểm của mình trong suốt thời gian giảng dạy Tiếng Anh và học tập tiếng Anh đến thời điểm này. Với tư cách là một người học Tiếng Anh và cũng là với tư cách là một giáo viên tiếng Anh gần 7 năm mình nhận thấy những điều sau:
- Người học luôn luôn mong muốn một phương pháp học mới, một cái gì đó mới mẻ trong quá trình học tiếng Anh.
- Người học luôn tin vào những điều gì gọi là “cấp tốc”, “ngay”, “thực tế’, “thực hành” nhưng thực sự không hiểu bản chất của những từ trên là gì?
- Người học luôn nhận thấy các vấn đề như thiếu từ vựng, thiếu tự tin, nghe kém, nói kém….các lỗi mà ai ai cũng biết, ở tổ chức đào tạo nào cũng nói được.
- Người học luôn nghĩ rằng mình không thể học được tiếng Anh.
Nhưng người học Tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào đều quên mất 1 bước đầu tiên – bước cơ bản khi bắt đầu học tập 1 ngôn ngữ mới: đó là XÂY DỰNG THÓI QUEN HỌC TẬP.
Mình là một giáo viên giảng dạy tiếng anh lâu năm và theo mình quan sát để xây dựng 1 thói quen học tập trong mỗi một con người – hay bất cứ một thói quen gì thôi cũng mất ít nhất là 3 tháng chưa nói đến kết quả về chất lượng của bài học hay người học. Nghe cũng đáng sợ phải không các bạn? Không giống như những gì các bạn vẫn được nghe và được biết trên báo đài và tạm chí.
Nếu tìm hiểu kỹ các bạn sẽ biết THÓI QUEN LÀ MỘT PHẢN XẠ CÓ ĐIỀU KIỆN NHƯNG DO RÈN LUYỆN MÀ CÓ. Đó là “….những hành vi (nếp sống, phương pháp làm việc, phương pháp học tập) được lặp đi lặp lai nhiều trong cuộc sống và thông qua rèn luyện, đó là những hành vi định hình trong cuộc sống và được coi là bản chất thứ hai của con người…” (Trích “ Từ điển bách khoa Toàn Thư wiki online)
Như vậy để học được tiếng Anh, trước hết bạn BUỘC PHẢI XÂY DỰNG CHO MÌNH MỘT THÓI QUEN HỌC TẬP trước đã. Có những người có nghị lực và quyết tâm cao, bạn chỉ mất có 1 tuần để hình thành được thói quen đó. Có những người tinh thần còn chưa tốt, thực sự vẫn còn cảm thấy khó khăn, việc hình thành thói quen học tiếng anh có thể kéo dài tới tận 3 tháng. Vì sao mình giải thích như vậy?
Nếu bạn là một người học thông thường khi tiếp cận với tiếng Anh bạn sẽ trải qua những cảm giác và quá trình học tập như sau:
- Ngày đầu tiên học tập: thấy rất hứng thú và quyết tâm, muốn làm hết hay học hết cuốn sách đó ngay, không ai có thể cản trở được bạn, cũng không ai có thể khiến bạn dừng việc học đó cả.
- Ngày thứ hai: bạn bắt đầu thấy mền mệt, nhưng vẫn cố gắng tiếp, bạn nhìn thấy rõ được mục tiêu của mình và về mặt trí não bạn hiểu rất rõ để đạt được mục tiêu bạn cần phải nỗ lực.
- Ngày thứ ba: bạn vẫn có thể tiếp tục học, nhưng hiệu suất học tập của bạn bắt đầu giảm, bạn tự động viên mình làm việc theo đúng kế hoạch. Tất nhiên, bạn vẫn làm việc theo đúng kế hoạch, nhưng kết quả và đáp án làm bài của bạn không còn tốt hay không còn khả quan như những ngày đầu.
- Ngày thứ tư: bạn bỏ, và tự cho mình nghỉ ngơi. Tự cho mình nghĩ rằng: kế hoạch của mình là lâu dài, nghỉ 1 hôm không chết ai
- Ngày thứ năm: bạn lại rơi vào trạng thái của ngày thứ ba và ngày thứ hai. Kết quả học tập của bạn cũng mờ nhạt và không cao sơ với yêu cầu của bản thân.
- Ngày thứ sáu: cũng có thể bạn rơi vào tâm trạng của ngày thứ nhất, nhưng cũng có thể bạn sẽ gần như bỏ hoàn toàn, đóng sách và đi chơi.
- Ngày thứ 7, thứ 8, thứ 9…
Mình sẽ không liệt kê quá nhiều ra đây, nhưng nếu bạn đã từng thử, mình tin bạn đã từng rơi vào trạng thái lên-xuống- xuống –lên khi học tiếng anh như vậy. Đó được coi là quá trình đấu tranh để hình thành thói quen học tập, chỉ một phần rất nhỏ trong cả một lộ trình học tập tiếng anh của bạn. Chưa kể những cụm từ “ngày thứ…” ở trên đối với một số bạn khác có thể được chuyển thành “tuần thứ…”. Như vậy, một câu hỏi đặt ra là “LIỆU BẠN CÓ THỂ HỌC TIẾNG ANH TỐT ĐƯỢC KHÔNG KHI MÀ CHÍNH THÓI QUEN HỌC TẬP CỦA BẠN CHƯA CÓ?”. LIỆU BẠN CÓ THỂ HỌC TIẾNG ANH “CẤP TỐC” KHÔNG KHI BẠN CHƯA CÓ MỘT PHẢN XẠ CÓ ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ NÀY?
Thường chúng ta hay nói “chúng ta cần phải học từ vựng, mỗi ngày 5 từ hoặc 10 từ”, hay “chúng ta cần tìm giáo viên giỏi, người phát âm chuẩn”, hay “chúng ta cần phải tham gia các câu lạc bộ tiếng anh nhiều hơn”. Nhưng nếu chúng ta hiểu được tâm lý chính mình, tâm lý của con người, đôi khi có lúc chúng ta học được 15 từ, nhưng có lúc chúng ta chỉ học được 5 từ thôi. Vậy ai kiểm soát được điều này? Mình vẫn tin chúng ta là con người, không phải là máy móc.
Tất nhiên, mình không phủ nhận việc mỗi ngày học 5 – 10 từ vì đây là một điều không sai. Nhưng nó chỉ không sai khi việc này đã biến thành một thói quen gần như không thể dứt bỏ được của bản thân mỗi người. Và mình tìn để ước chừng được con số và biến thành 1 thói quen học từ thì mỗi người cần thêm khoảng 2 tháng nữa. Thực ra, điều này nằm ở khoảng chặng thứ 3 – 4 trong quá trình học tập của mỗi con người.
Như một câu thành ngữ thôi, “quả trứng vỡ từ bên trong bao giờ cũng là biểu hiện sửa sức sống mới”. Vậy trước khi học tiếng Anh hay cố gắng đưa ra cho mình một mục tiêu quá hoài bão và xa vời, các bạn hãy tự tập cho mình THÓI QUEN HỌC & ĐỪNG ĐẶT CHO MÌNH MỤC TIÊU QUÁ CAO KHI THỜI GIAN ĐẦU BẠN CHỊ MUỐN TẬP CHO QUEN VÀ TẬP LÀM QUEN VỚI TIẾNG ANH THÔI NHÉ.
Mình sẽ chia sẻ thêm về CÁCH THỨC XÂY DỰNG THÓI QUEN HỌC TẬP CHI TIẾT sau 01 tuần nữa – khi mình có thời gian rảnh nhé.
Vài dòng chia sẻ.
==========================================================
(Cảm hứng viết bài này bắt nguồn từ lộ trình học lại yoga của mình và cả những khó chịu dằn vặt khi quan sát các tổ chức tiếng anh cứ gào lên là học cấp tốc trong vòng 3 tháng là giỏi – bố tổ tiên sư – các cao thủ như Paul Stailger; Dang Cheetah hay TrungHieuCNI cũng chưa bao giờ dám phát biểu là có tiếng anh cấp tốc)